Sử dụng Đại_Vận_Hà

Vận tải

Trong các thời kỳ Nguyên (1271-1368), Minh (1368-1644) và Thanh (1644-1911), Đại Vận Hà là huyết mạch chính giữa miền bắc và miền nam Trung Quốc và là cực kỳ quan trọng trong việc vận chuyển lương thực tới Bắc Kinh. Mặc dù chủ yếu là vận chuyển ngũ cốc, nhưng đường giao thông thủy này cũng được dùng cho việc chuyên chở các mặt hàng khác. Khu vực xung quanh Đại Vận Hà cuối cùng đã phát triển thành một vành đai kinh tế-thương mại quan trọng. Các ghi chép cho thấy mỗi năm có trên 8.000 tàu thuyền vận chuyển từ 4-6 triệu đảm (200.000 – 300.000 tấn) ngũ cốc tới Bắc Kinh [3]. Sự thuận tiện của đường giao thông này cũng cho phép các vị quân vương đi tuần thú về miền nam Trung Quốc. Thời kỳ nhà Thanh, các vị hoàng đế như Khang HiCàn Long đã thực hiện 12 chuyến đi về phương nam, trong đó 11 chuyến đi đạt tới điểm cuối cùng tại Hàng Châu.

Một chiếc sà lan chạy trên Đại Vận Hà

Đại Vận Hà cũng là cầu nối cho các trao đổi văn hóa giữa miền bắc và miền nam Trung Hoa. Nó cũng đã gây ấn tượng mạnh đối với một số người châu Âu đầu tiên đặt chân tới Trung Hoa. Marco Polo đã kể lại chi tiết các cầu cong của Đại Vận Hà cũng như các nhà kho và hoạt động thương mại thịnh vượng vào thế kỷ 13. Nhà truyền giáo nổi tiếng của Kitô giáo là Matteo Ricci cũng đã du lịch từ Nam Kinh tới Bắc Kinh theo kênh đào này vào cuối thế kỷ 16.

Đoạn phía bắc của Đại Vận Hà hiện tại ít được sử dụng như là cách thức nối liền giữa miền bắc và miền nam. Nó đã được xây dựng kém, cẩu thả và chở nặng nước sông nhiều bùn của Hoàng Hà. Trong những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng nước tăng nhanh nên đoạn này gần như khô cạn. Các đoạn trung tâm và phía nam của Đại Vận Hà, từ Tế Ninh tới Hàng Châu được duy trì khá tốt và được sử dụng nhiều để chuyên chở than từ các mỏ than tại tỉnh Sơn Đông và phía bắc tỉnh Giang Tô tới khu vực đồng bằng châu thổ sông Dương Tử, làm giảm nhẹ đáng kể sự quá tải của tuyến đường sắt Kinh Hỗ (từ Bắc Kinh tới Thượng Hải).

Lộ trình phía đông của Dự án Nam thủy Bắc điều

Đại Vận Hà hiện nay đang trong giai đoạn nâng cấp và sẽ được sử dụng như là lộ trình phía đông (đông tuyến) của Dự án Nam thủy Bắc điều. Nước từ sông Dương Tử sẽ được bơm vào kênh tại khu vực thành phố Giang Độ. Sau đó nước được liên tục bơm dọc theo kênh tới hồ Đông Bình, tại đây nước có thể chảy xuống tới Thiên Tân và Bắc Kinh[4]. Công việc xây dựng lộ trình phía đông này đã chính thức bắt đầu ngày 27 tháng 12 năm 2002, và theo dự kiến nước sẽ chảy tới Bắc Kinh vào năm 2012. Thách thức về mặt kỹ thuật của lộ trình này là việc xây dựng các đường ống ngầm dưới lòng sông Hoàng Hà. Ngoài ra, sự ô nhiễm nước trong Đại Vận Hà cũng là vấn đề nghiêm trọng[5]. Thành công của lộ trình phía đông sẽ cần có sự vệ sinh sạch sẽ toàn diện của hệ thống nước trong kênh, vì thế, ảnh hưởng sinh thái của lộ trình phía đông này là vô cùng tích cực.[4]